Sát Tết, cùng với những thông tin rao bán “cắt lỗ”, câu chuyện bất động sản đã chạm “đáy” chưa và nên “bắt đáy” bất động sản vào thời điểm nào nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bất động sản cũng như người mua nhà để ở.
Cuối năm 2022, ảnh hưởng từ các chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế cũng như các vấn đề nội tại thị trường chưa được giải quyết đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường bất động sản phải rơi vào trạng thái khó khăn.
Dữ liệu của VARS cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền được điều chỉnh giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Như vậy, việc cắt lỗ thời gian vừa qua chỉ xảy ra với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đối với các sản phẩm đầu tư, không phục vụ nhu cầu thực.
Theo nghiên cứu từ đội ngũ chuyên gia của VARS dự báo, quý I/2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ít biến động và rất khó xảy ra các tình huống mang tính “đột biến”, lượng giao dịch kỳ vọng tương đương với cùng kỳ năm 2022. Tháng 1/2023, mặt bằng giá gần như đi ngang, nhiều nhà đầu tư và khách hàng đã bắt đầu rục rịch xuống tiền với tâm thế sẵn sàng chờ “bắt đáy” BĐS.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ, để trả lời câu hỏi có nên bắt đáy thời điểm này hay không? Khách hàng có nhu cầu mua bất động sản để ở, tích trữ tài sản hay để đầu tư đều cần phải tự làm rõ các vấn đề: hiện trạng tài chính của bản thân, nhu cầu - mục đích - thời hạn đầu tư, bối cảnh tại khu vực dự định đầu tư.
Tuy nhiên, ông Đính cũng nói thêm, không có một thước đo nào để có thể xác định được đâu là “đáy" của BĐS. Để không bỏ lỡ cơ hội, cần làm rõ định nghĩa “bắt đáy" cho riêng mình.
Nhận định của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, thị trường đang có sự tồn tại của tứ giác liên thông: Bảo hiểm - Ngân hàng - Chứng khoán - Bất động sản liên quan chặt chẽ với nhau. Cụ thể, ngân hàng dành 20% vốn để cho vay bất động sản (cả cho vay nhà ở và kinh doanh nhà ở). Chứng khoán cũng liên quan mật thiết với bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán 17% tổng vốn hóa toàn thị trường. Bất động sản đóng góp trực tiếp 15% tỷ trọng vào GDP quốc gia cùng với sức ảnh hưởng đến hơn 40 ngành nghề liên quan khác, Tiến sĩ chia sẻ thêm.
Với thị trường mới nổi như Việt Nam, sự thiếu minh bạch và chuẩn mực trong giao dịch, đặc biệt là ở các sản phẩm hình thành trong tương lai là một trong những rủi ro lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vì thế, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là việc mà Chính phủ không thể không làm. Thực tế gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý để đưa nguồn cung mới vào thị trường; xây dựng cơ chế riêng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà xã hội, nhà ở giá cả phải chăng, phù hợp với người thu nhập thấp và các cơ chế khác một cách thận trọng để tránh gây ra hiện tượng “nước chảy chỗ trũng”, bong bóng bất động sản, gây bất lợi cho người dân và tạo hệ lụy xấu với nền kinh tế.
Để bổ sung và tích lũy kiến thức hoặc chọn cho mình một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp cũng như chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính thật tốt để khi giá giảm lập tức có thể mua vào, đừng để mong muốn “bắt đáy”, kỳ vọng mức giá sẽ tiếp tục giảm trong tương lai mà bỏ lỡ cơ hội.
0 Bình luận
Gửi bình luận