Chỉ định thầu, chia dự án theo địa phận các tỉnh thành, dùng cả vốn Trung ương và địa phương là những đề xuất đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3 đã trễ hẹn nhiều năm
Được quy hoạch từ năm 2011 với tổng chiều dài hơn 90 km, Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, mang vai trò chiến lược trong hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên khó khăn về vốn và cơ chế thực hiện, sau 11 năm toàn tuyến mới có 15 km đi qua Bình Dương hoàn thành đưa vào khai thác. Thời gian gần đây, sau nhiều chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương và bộ ngành liên quan chuẩn bị trình dự án lên Quốc hội, trong đó đề xuất một số cơ chế để Vành đai 3 hoàn thành trong 4 năm tới.
Sơ đồ Vành đai 3 TP HCM. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Trong số kiến nghị, chỉ định thầu được xem là cơ chế then chốt nhất đưa Vành đai 3 về đích. Cơ sở của đề xuất này là mới đây Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, cho phép các dự án quan trọng, quy mô lớn, cấp bách liên quan hạ tầng giao thông, y tế được xem xét, quyết định chỉ định thầu trong năm 2022 và 2023. Việc này áp dụng với gói tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây lắp.
Lý giải đề xuất cơ chế trên, các địa phương cho biết công tác giải phóng mặt bằng là điểm mấu chốt quyết định tiến độ của hầu hết các dự án. Song hiện phần lớn dự án gặp vướng mắc, thậm chí nhiều dự án bế tắc, phải ngưng thi công khi mặt bằng không được giải tỏa. Do đó việc cho chỉ định các gói thầu, trong đó có dự án di dời hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng phần nào giúp Vành đai 3 triển khai thuận lợi.
Với chi phí rất lớn, Vành đai 3 được đề xuất chia thành các dự án thành phần theo địa bàn 4 tỉnh thành, nhằm dễ thực hiện trong bối cảnh khó khăn vốn đầu tư. Dự án sẽ được chia 8 dự án thành phần, gồm 4 dự án giải phóng mặt bằng và 4 dự án xây lắp. Chính quyền 4 tỉnh thành sẽ quyết định đầu tư dự án ở địa bàn, với trình tự, thủ tục tương tự cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Theo UBND TP HCM, tuyến đường phải giải phóng mặt bằng rất lớn (gần 41.600 tỷ đồng), cần triển khai trước để đảm bảo việc thi công sau đó đồng bộ. Tuyến cũng có nhiều cấp đường (cao tốc, đường song hành), đồng thời cần huy động nhiều nguồn vốn, với các quy trình, thủ tục khác nhau... Những yếu tố này khiến dự án phải tách nhỏ để đảm bảo khả thi, đẩy nhanh tiến độ.
Các địa phương cũng đề xuất Quốc hội cho sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương để đầu tư Vành đai 3. Bởi trước đó việc đầu tư vành đai dự kiến theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng không khả thi, qua nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, tốn thời gian, không hấp dẫn nhà đầu tư.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 3 trình Chính phủ, các địa phương cho biết tổng mức đầu tư dự án giai đoạn một dự kiến 75.300 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương dự kiến bố trí gần 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đoạn qua Long An, thay cho hỗ trợ 100% vốn như trước.
Ngoài ra, các địa phương đề xuất rà soát, thu hồi quỹ đất dọc vành đai để đấu giá, góp phần tìm kiếm nguồn lực đầu tư dự án. Thống kê sơ bộ, hơn 2.400 ha dọc tuyến sẽ được thu hồi để đấu giá.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Vành đai 3 đoạn ở Bình Dương hoàn thành. Ảnh: Gia Minh
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, nói việc đầu tư Vành đai 3 thực sự cấp thiết, nên cơ bản ủng hộ các giải pháp trên để dự án sớm hoàn thành. Tuy nhiên, cơ chế chỉ định thầu khi áp dụng cần tiêu chí cụ thể, công khai năng lực nhà thầu về chuyên môn, tài chính, kinh nghiệm, uy tín... Những tiêu chí này cần thống nhất giữa các dự án thành phần tại 4 địa phương.
Theo ông Minh, để bảo đảm chất lượng, tiến độ, công tác giám sát phải chặt chẽ, chế tài mạnh. Việc kiểm tra sau hợp đồng ngoài cơ quan chuyên ngành cũng cần giám sát từ chính người dân, bám theo tiến độ dự án. Điều đó để tránh hệ lụy tương tự cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khi nhà thầu thiếu trách nhiệm, công trình không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán.
"Chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian, giảm thủ tục so với đấu thầu. Nhưng hình thức này lại mất tính cạnh tranh, dễ tiêu cực, nhà thầu yếu kém chạy chọt xin thầu, lợi ích nhóm", ông Minh nói và cho rằng nếu áp dụng nên kèm biện pháp kiểm soát đặc biệt, có thể bổ sung vào luật để tránh rủi ro.
Tại hội thảo đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP HCM cuối tuần trước, kiến nghị chỉ định thầu được nhiều chuyên gia, cơ quan ủng hộ, song song đề nghị làm rõ thêm giải pháp. Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), cho rằng dự án có hai rủi ro lớn. Đầu tiên là pháp lý, bởi dự án xin cơ chế đặc thù, vượt khỏi luật nên cần phải thuyết phục để Quốc hội đồng thuận, thông qua chủ trương đầu tư.
Rủi ro thứ hai liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng. Bởi dự án đi qua nhiều tỉnh thành, chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Do đó để triển khai nhanh, pháp lý đất đai ở khu vực giải tỏa "phải sạch", tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. "Từ bây giờ phải thống kê nguồn gốc đất, các tranh chấp liên quan để thuận lợi khi triển khai bồi thường", ông Tú Anh nói.
Giai đoạn một, Vành đai 3 làm trước có 4 làn cao tốc trên chiều dài hơn 76 km, cùng đường song hành hai bên đầu tư theo nhu cầu của các tỉnh thành. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện quy mô hoàn chỉnh, rộng 63-74 m, nút giao có thể 120 m, để sau này mở rộng lên 8 làn cao tốc và đường song hành hai bên.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Sau khi được thông qua, tuyến sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026.
Theo Gia Minh
VnExpress
0 Bình luận
Gửi bình luận